Đặc trưng Luật_Công_bình

Luật Công bình có nguồn gốc coi nhà vua như biểu tượng của công lý, tất cả các vấn đề đều được gửi đơn thỉnh cầu lên vua Luật công bằng xuất hiện bên cạnh luật chung nhưng không làm thay đổi luật chung và không vô hiệu hoá các quy định của Luật chung (tức thông luật).

So với Thông luật thì Luật Công bình có một số đặc điểm như các quy phạm thể hiện tính đạo đức, linh hoạt, mềm dẻo và ảnh hưởng nhiều bởi Luật Giáo hội (Do viên quan Đại Chưởng ấn là người đi đạo), các quy định được thiết lập trên nguyên lý "lẽ phải và tình yêu thương của Chúa trời". Ngoài ra hoạt động xét xử của tòa công bình thể hiện tính chất cá nhân, chủ quan. Mặt khác, các thủ tục pháp lý, thủ tục xét xử đa dạng, đơn giản hơn so với Thông luật (không bị ràng buộc nặng nề bởi hệ thống trát).

Luật Công bình ra đời đã khắc phục được những bất cập của Thông luật, giúp giải quyết được các vụ việc không được giải quyết hoặc chưa được giải quyết tại Tòa án Hoàng gia. Với Luật Công bình, những vụ khiếu kiện đều được giải quyết. Trong quá trình xét xử tại tòa, Đại pháp quan không áp dụng các án lệ của Tòa án Hoàng gia, luật Đại pháp quan sử dụng là dựa vào lẽ phải. Nói đến lẽ phải tức là phải có người đúng, người sai rõ ràng nên các vụ việc đưa ra thường được thụ lý giải quyết.

Tòa đại pháp mở đầu quá trình tố tụng không phải bằng trát mà bằng đơn thỉnh cầu, không có mẫu in sẵn, viết bằng thứ tiếng Pháp dùng ở Anh thời trung cổ. Người thỉnh cầu nêu rõ lý do khiếu nại và khẩn cầu sự trợ giúp. Đơn thỉnh cầu phải được gửi kèm theo vật làm tin mới có thể khởi kiện. Với đơn viết tay như thế, mọi oan ức của người dân có thể nhờ công lý mà được giải quyết, tránh được tình trạng như việc sử dụng hệ thống trát trong Tòa án Hoàng gia.

Tại Tòa đại pháp, Đại pháp quan xét xử dựa vào nội dung vụ việc và quyền lợi của các bên tranh chấp, còn tại Tòa án Hoàng gia thì lại rất coi trọng chứng cứ. Trong quá trình xét xử, Đại pháp quan tiến hành thẩm vấn nhằm phát hiện tình trạng lương tâm của bị đơn để gột rửa lương tâm cho bị đơn khi cần thiết. Bên bị sẽ phải trả lời những câu hỏi trên cơ sở tuyên thệ do Đại pháp quan đưa ra. Những câu hỏi thông minh của Đại pháp quan buộc bị đơn tự khai ra các tình tiết của vụ việc, trên cơ sở đó có thể khép bị đơn vào một tội, một lỗi nào đó. Đây là thủ tục tố tụng đặc biệt không hề được sử dụng tại Tòa án Hoàng gia ở cùng thời.

Giải pháp được đưa ra bởi Tòa đại pháp rất khác so với giải pháp đưa ra bởi Tòa án Hoàng gia. Đại pháp quan có thể phát lệnh dưới hình thức tuyên bố quyền của bên nguyên hoặc dưới dạng lệnh buộc bên bị (bên có hành vi gây tổn hại) phải thực hiện hành vi nào đó hoặc cấm bên bị thực hiện hành vi xâm phạm tới lợi ích của bên nguyên. Trong khi đó, Tòa án Hoàng gia chỉ có thể ra phán quyết buộc bên bị có hành vi gây thiệt hại cho bên nguyên phải bồi thường thiệt hại. Từ thực tế này có thể thấy Tòa đại pháp có quyền lực lớn hơn Tòa án Hoàng gia.

Đóng góp to lớn của Luật Công bình đối với hệ thống pháp luật Anh là đã tạo ra chế định ủy thác. Theo nguyên tắc của Thông luật, đối với việc ủy thác đất đai, sau khi đã sang tên đất, người ủy thác không còn quyền sử dụng hợp pháp đối với mảnh đất đã ủy thác, mà phần đất đó đất thuộc về quyền sử dụng hợp pháp của người được ủy thác, quyền sử dụng đất của người được ủy thác chỉ bị giới hạn bởi quy phạm đạo đức chứ không bị giới hạn bởi quy phạm pháp luật. Nên khi có tranh chấp xảy ra thì Tòa án Hoàng gia chưa bao giờ giải quyết được.

Nhưng tại Tòa đại pháp, trước những vụ việc này Đại pháp quan cho rằng việc người được ủy thác phủ nhận quyền đòi lại đất của người ủy thác là bất công, trái với giáo lý và lương tâm và rằng người được ủy thác chỉ giữ mảnh đất đó vì lợi ích của người ủy thác và sẽ phải trả lại cho người ủy thác khi có yêu cầu. Vì vậy, Đại pháp quan thường ra phán quyết cưỡng chế thi hành những điều kiện theo đó hợp đồng ủy thác được thiết lập để buộc bên được ủy thác thực hiện những cam kết của mình.